Trong khoảng 1.200 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố, đang có khoảng 500 dự án bị ngừng triển khai.
Mới đây, trong báo cáo tổng kết đánh giá sự phát triển thị trường bất động sản TPHCM, Hiệp hội bất động sản thành phố (HoREA) cho rằng 10 năm qua, thị trường bất động sản phát triển ở tất cả các quận, huyện.
Trước hết là khu vực trung tâm thành phố, và tiếp theo là khu nam Sài Gòn với hạt nhân là khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Khoảng 4 năm gần đây đã có sự chuyển hướng phát triển mạnh sang khu vực phía Đông thành phố với hạt nhân là khu đô thị mới Thủ Thiêm và gần đây cũng đã có nhiều dự án bất động sản nhà ở, thương mại, y tế đầu tư vào khu vực phía Tây thành phố.
Tuy nhiên, theo HoREA trong suốt một thập kỷ qua, thị trường bất động sản thành phố vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững, đồng thời cũng đã chỉ ra những điểm nghẽn và đề xuất những giải pháp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng hiện có 5 điểm nghẽn trên thị trường bđs cần sớm giải quyết trong đó điểm nghẽn lớn nhất là tiền sử dụng đất tạo ra cơ chế xin-cho.
Để giải quyết một phần “điểm nghẽn” này và để hỗ trợ doanh nghiệp, UBND thành phố đã cho phép doanh nghiệp được tạm nộp tiền sử dụng đất dự án ngay sau khi Sở Tài nguyên Môi trường xác định giá đất. Tiếp đến là “điểm nghẽn” chuyển nhượng dự án bất động sản, do pháp luật quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều này chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án, cũng là một hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp;
“Trong khoảng 1.200 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố, đang có khoảng 500 dự án bị ngừng triển khai, phần lớn do giải phóng mặt bằng dở dang, chính là "phần chìm của tảng băng hàng tồn kho". Điều này đã ngốn một lượng vốn lớn của nhà đầu tư, của ngân hàng và của xã hội rất lớn, tiềm ẩn nhiều hệ quả rủi ro cho thị trường”, ông Châu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra. “Điểm nghẽn” chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung dài hạn cho thị trường bất động sản.
"Lãi suất cho vay vẫn còn cao và có khả năng sẽ tăng trong năm 2017", ông Châu nhận định.
Ngoài ra, “điểm nghẽn” thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
đăng bởi: phapluattp.vn
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét