Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

3 dấu hiệu cải thiện chỉ số minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam

Có 3 yếu tố điển hình giúp cải thiện tính minh bạch cho thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam là: Dễ tiếp cận thông tin, khung pháp lý yêu cầu các chủ thể tham gia thực hiện quy trình minh bạch và áp dụng công nghệ mạnh mẽ vào thị trường.

Bà Trang Lê, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho biết, tại thị trường BĐS Việt Nam, tính minh bạch luôn là đề tài thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận cũng như các nhà đầu tư. Báo cáo GRETI năm 2016 của JLL cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ hạng khá thấp về tính minh bạch của thị trường BĐS (xếp hạng 68/109 quốc gia). Tuy nhiên, nếu so sánh với những năm trước đây, hình ảnh của thị trường Việt Nam đang được cải thiện qua từng năm.
Nếu như năm 2014, Việt Nam nằm hoàn toàn trong nhóm những nước có chỉ số minh bạch thấp thì đến năm 2016, Việt Nam được ghi nhận là nước đang trong “giai đoạn quá độ sang nhóm các nước có chỉ số minh bạch trung bình". Sự cải thiện về tính minh bạch được ghi nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Dưới đây là 3 dấu hiệu cải thiện đáng kể tính minh bạch của BĐS Việt Nam.
Thị trường BĐS Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn quá độ từ chỉ số minh bạch kém sang minh bạch
mức độ trung bình. Ảnh: Lucas Nguyễn
Dễ tiếp cận thông tin về BĐS hơn
Thị trường BĐS Việt Nam đang có những bước tiến dài trong việc minh bạch hoá thông tin quy hoạch, quy trình thủ tục đầu tư cho đến thông tin dự án đối với người mua, khách thuê… nhằm bảo về quyền lợi cho khách hàng đầu cuối.
Theo WB, Việt Nam đã có một số tiến bộ trong việc công khai thông tin đất đai, tuy nhiên vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Trong tháng 7 vừa qua, WB đã phê duyệt gói hỗ trợ dự án Cải thiện Quản lý và Cơ sở Dữ liệu đất đai Việt Nam có giá trị lên tới 150 triệu USD. Dự án này nhằm xây dựng Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu về đất đai cho cả Chính phủ và công chúng có thể tiếp cận. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ việc đơn giản hóa các thủ tục quy trình nghiệp vụ liên quan đến dịch vụ đất đai. Gói hỗ trợ này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đổi mới công tác quản lý đất đai tại Việt Nam, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục cũng như thông tin đối với các nhà đầu tư BĐS, cải thiện môi trường đầu tư.

Hành lang pháp lý buộc các nhà phát triển phải tuân thủ quy trình minh bạch

Tại phân khúc nhà ở, những năm gần đây có rất nhiều chính sách, quy định về việc công khai minh bạch thông tin đã được Nhà nước ban hành. Việc công bố danh sách các dự án được phép bán nhà trên giấy theo Nghị định 76, gần đây hơn là danh sách những dự án đang thế chấp tại các ngân hàng thương mại theo yêu cầu rà soát tình hình các dự án xây dựng nhà ở của chính quyền địa phương được xem như động thái nhằm “minh bạch hóa” thị trường BĐS. Dù vậy, tiến trình minh bạch hóa này vẫn chưa đạt hiệu quả thực sự do thiếu sự đồng bộ, nhất quán và chưa triệt để trong quá trình thực hiện cũng như giám sát sau đó. Từ phía chủ đầu tư, việc công khai các thông tin dự án đã phần nào được thực hiện một cách chủ động hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa có những quy định cụ thể và chặt chẽ trong việc đảm bảo độ chính xác của những thông tin được công khai này.

Áp dụng công nghệ mạnh mẽ vào thị trường BĐS

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng với việc BĐS đang là thị trường thu hút dòng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam, sẽ là những yếu tố đảm bảo cho việc cải thiện tính minh bạch của thị trường này trong tương lai. Trong khi công nghệ được coi là công cụ hữu ích nhằm hỗ trợ thực hiện minh bạch thông tin, việc nguồn vồn đầu tư tăng cao vào thị trường BĐS sẽ khiến cho nhu cầu về sự công khai, minh bạch trở nên bức thiết. Yêu cầu về tiêu chuẩn minh bạch trên thị trường BĐS cũng sẽ được đẩy cao khi nguồn vốn đổ vào thị trường này ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là một quá trình dài hơi, đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để thực hiện.
Ngoài ra, JLL cũng chỉ ra những dấu hiệu nhận biết nhóm thị trường BĐS quá độ từ thứ bậc kém minh bạch lên giai đoạn bán minh bạch (minh bạch mức trung bình). Đa phần những thị trường này đều là những quốc gia đang phát triển. Các quy định về BĐS tại các nước này đã hoặc đang được ban hành và cơ quan quản lý, người tham gia mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu quan sát thị trường. Ứng dụng công nghệ cũng cho phép các nước này có thể bỏ qua giai đoạn phát triển thông thường, tuy nhiên, quản lý doanh nghiệp vẫn còn yếu.
(Theo Vnexpress) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét