Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Nghịch lý lãi trước lỗ sau giữa ma trận sốt đất Sài Gòn

Ông Ninh bán nhà mặt tiền tại Bình Tân được 11 tỷ đồng, lãi 3 tỷ nhưng muốn tậu căn tương tự phải có 15 tỷ mới thương lượng được.

Trong cơn sốt đất có không ít nhà đầu tư chốt lời nhưng cuối cùng tưởng lãi hóa lỗ
Căn nhà mặt phố của ông Ninh có mặt tiền 8m, dài gần 20m, quy mô một trệt 3 lầu, nằm trên tuyến đường khá sầm uất của quận Bình Tân, TP HCM. Cách đây vài năm, gia đình ông ghép từ 2 thửa đất lại làm một để xây căn nhà khang trang, tầng trệt là nơi kinh doanh, tầng trên dùng để ở.

Thời điểm ông Ninh bán căn nhà rơi vào đúng thời điểm cơn sốt đất lan khắp Sài Gòn, tức trong quý II/2017. Lý do gia chủ bán vì gần như chắc chắn với kế hoạch đầu tư và mua bất động sản nước ngoài cho con cái du học, lập nghiệp, cộng thêm giá bán khá cao, lãi không dưới 3 tỷ đồng so với cách đây vài năm.

Tuy nhiên, sau khi gia đình ông tổ chức nhiều chuyến đi nước ngoài khảo sát cơ hội ở xứ người đã rút lại ý định đầu tư ra hải ngoại. Số tiền 11 tỷ đồng được vợ chồng ông mang trở về Bình Tân, tìm mua một căn nhà khác tương tự như căn đã bán. Song, quý IV/2017 nhà đất tại TP HCM đã đồng loạt thiết lập mặt bằng giá mới, những căn nhà phố mặt tiền 8m tương tự như căn nhà cũ tại địa bàn này bị hét giá 14-15 tỷ đồng một căn.

Trước tình cảnh dở khóc dở cười này, ông Ninh mới vỡ lẽ ra của bán đi rồi không mua lại được. “Lúc đầu vợ chồng tôi hí hửng vì lãi 3 tỷ đồng nhưng đến giờ mới thấm, hóa ra mình đang bị lỗ 4-5 tỷ đồng. Giờ chỉ còn cách tìm nhà bé hơn căn cũ mới mua được”, ông nói.

Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam cho biết, tình huống bán nhà đất lãi trước mắt rồi lại lỗ sau lưng trong giai đoạn sốt đất lan rộng khắp Sài Gòn không phải là hiếm. Thậm chí, chuyện lạ có thật này đã xảy ra khá phổ biến trong giai đoạn thị trường nóng sốt liên tục như năm 2017 vừa qua.

Ông Nam phân tích, sau khi thị trường đã thiết lập những mặt bằng giá nhà đất mới cao hơn trước đây, việc bán chốt lời đúng là giúp nhà đầu tư thu về khoản lãi nhất định so với dòng vốn ban đầu. Tuy nhiên, cũng chính vì thị trường nóng sốt, giá sau đội giá trước, nên với tổng dòng tiền thu về nhà đầu tư vẫn không thể tìm mua lại được một bất động sản có vị trí tương tự.

“Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp nhà đầu tư vì nóng vội chốt lời đã bán nhà đất chóng vánh để rồi sau đó thở ngắn than dài khi biết mình bị hớ, thậm chí lỗ tiền tỷ vì không thể mua lại một tài sản có giá trị tương đương”, ông Nam kể.

Chuyên gia này cho rằng trong tình huống của ông Ninh, nếu vẫn khăng khăng tìm mua lại chính căn nhà đã bán hoặc một căn có vị trí và quy mô tương tự thì cầm chắc kịch bản phải bỏ thêm 3-5 tỷ đồng nữa.

Tuy nhiên, ông Ninh sẽ vẫn còn nhiều cơ hội phía trước nếu chịu khó mua nhà mặt tiền diện tích nhỏ hơn, giá rẻ hơn để ở và kinh doanh. Dòng tiền còn lại tái đầu tư vào những khu đất có vị trí kém hơn so với mặt tiền nhưng cũng tương đối đẹp, đó là nhà nằm trong hẻm xe hơi.

Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát phân tích, miễn là phải đưa tiền vào thị trường và tạo cho nó guồng quay mới để nó vận động thì nhà đầu tư vẫn còn cơ hội "phục thù". Thị trường luôn diễn ra kịch bản sóng sau xô sóng trước. Chu kỳ tăng trưởng - khủng hoảng - phục hồi lặp lại theo sơ đồ hình sin nên nhà đầu tư sau khi chốt lời, hãy lập tức xác định mục tiêu mới.

"Đừng chờ căn nhà cũ rớt giá để mua lại với giá rẻ hơn hay bằng với giá ban đầu mình đã từng giao dịch, vì rất khó xảy ra. Cũng đừng để tiền nằm bất động như dòng vốn chết vì khi đó, việc thua lỗ còn nặng nề hơn do trượt giá và mất chi phí cơ hội", ông Nam nói.

Theo VnExpress

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Thị trường bất động sản: Mua đất xen kẹt rủi may như đánh bạc

Cùng với các sản phẩm bất động sản có nguồn gốc, pháp lý rõ ràng, các mảnh đất xen kẹt trong khu dân cư, thường là thiếu giấy tờ hợp pháp đang được chào mời đầy rẫy trên các trang mạng như chotot.com, batdongsan.com.vn… hoặc qua môi giới.

Canh bạc may rủi khi mua đất xen kẹt

Tình trạng pháp lý có vấn đề không khiến khách hàng của các thửa đất xen kẹt, nhất là những người ở các tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp chùn bước. Tất nhiên, có nhiều người may mắn vì làm được sổ đỏ, nhưng cũng không ít người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” vì mua loại đất này là canh bạc trông chờ vào may rủi.
Điểm thu hút khách của loại đất xen kẹt là giá bao giờ cũng thấp hơn nhiều lần so với đất thổ cư cùng địa bàn, chỉ khác về vị trí, thế đất và… tính pháp lý.
Gõ cụm từ mua đất xen kẹt, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt lời mời trên các trang mạng với nội dung gần giống nhau như: “Bán đất xen kẹt diện tích từ 38 - 42 m2, vị trí cực đẹp tại phường Tây Mỗ - quận Nam Từ Liêm - Hà Nội. Xây nhà cấp 4 ở ngay, cách Đại Lộ Thăng Long - đường Láng Hòa Lạc 800 m, nhìn thẳng sang sân vận động và Khu đô thị Mỹ đình, cách khoảng 1,6 km. Cách Big C - Trần Duy Hưng - Khu Trung Hòa Nhân Chính 3,5 km...
Mặt tiền là đường bê tông rộng 5m (ô tô khách 24 chỗ đi lại bình thường). Đất nằm xen kẹt trong khu dân cư ổn định, xung quanh là khu nhà ở thổ cư, đất có nhà cấp 4, hàng rào bao chung quanh, người mua được xây nhà cấp 4 ở ngay.
Đất không nằm trong quy hoạch, đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất vườn trồng cây lâu năm, giấy tờ mua bán có xác nhận pháp lý đầy đủ. Hiện tôi đang cần tiền gấp nên bán giá hợp lý từ 5 triệu đồng/m2 tùy lô và vị trí. Liên hệ trực tiếp chủ đất: 0988839…”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị Nga (quê ở Hải Dương), người mua 40 m2 đất xen kẹt ở đường K3 (Bắc Từ Liêm) cho biết, gia đình đã mua được hơn 3 năm nay, giấy tờ chỉ viết tay là đất sử dụng từ năm 1992, không tranh chấp. Và để dựng được căn nhà cấp 4, lợp fipro xi măng, gia đình đã phải tìm đủ mọi cách quan hệ và phải xây chớp nhoáng trong đêm. Tuy nhiên, đến việc làm sổ đỏ thì cả một vấn đề.
Mảnh đất này lúc mua đã gần 200 triệu đồng, giờ có nhu cầu muốn xây lại cho khang trang hơn nhưng cũng không được, vì đất chưa chuyển đổi mục đích, không có sổ đỏ. Mà có bán thì cũng khó vì giờ người mua quan tâm là độ an toàn, tính pháp lý, có làm được sổ đỏ hay không.
Cùng cảnh này, anh Dũng (quê ở Thanh Hóa) cũng mua hơn 50 m2 ở Mễ Trì Thượng với giá 200 triệu đồng gần 4 năm nay, nhưng gia đình vẫn phải đi ở nhờ vì đất không xây được nhà, không làm được sổ đỏ, mà có bán cũng chẳng xong.
May mắn hơn các trường hợp trên là anh Số (quê Thanh Hóa), nhờ có “quan hệ” nên khi mua 40 m2 đất xen kẹt ở Định Công lại đúng dịp phường, quận làm hồ sơ cấp lại sổ đỏ, nên anh đã “vớ bở” và xây được nhà 3 tầng khang trang.

Rủi ro giấy chứng nhận cho đất xen kẹt

Trong những năm qua, không ít cảnh báo về nguy cơ không được cấp chứng nhận quyền sử dụng khi mua đất xen kẹt đã được nhắc tới. Về bản chất, đất xen kẹt là loại đất vườn, đất nông nghiệp (chưa được công nhận là đất ở) nằm trong khu dân cư, hoặc đất dư ra sau quy hoạch. Đây là loại đất không được cấp sổ đỏ, hình thức chuyển nhượng chỉ thông qua giấy tờ viết tay. Ngoài ra, đất xen kẹt cũng được hiểu là loại đất bao gồm vườn ao và đất nông nghiệp xen kẹt.
Về điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất xen kẹt sang đất ở, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản hướng dẫn, nêu rõ các hộ gia đình, cá nhân muốn xin chuyển mục đích sử dụng đất phải là đối tượng chấp hành tốt pháp luật về đất đai ở địa phương, có văn bản cam kết bàn giao cho các tổ chức quản lý chuyên ngành phần diện tích đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đê, kênh mương, di tích lịch sử văn hóa hoặc công trình an ninh quốc gia, thoát lũ..; phải bàn giao cho UBND xã phường, thị trấn phần diện tích đất nằm trong phạm vi chỉ giới mở đường quy hoạch, lối đi chung cũng như nộp nghĩa vụ tài chính đầy đủ khi được chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, trên thực tế những trường hợp mua đất xen kẹt lại “ngại” thực hiện vì đa phần đều là những người nghèo, không có khả năng tài chính nên chấp nhận nguy cơ mất trắng để đổi lấy chỗ chui ra chui vào giữa thủ đô đất đắt như vàng. Và không ít người trong số này đang hy vọng những đổi mới về chính sách thông thoáng hơn trong việc kê khai, làm sổ cho các thửa đất xen kẹt của TP.Hà Nội  sẽ giúp họ hợp thức hóa chỗ ở của mình.
Kim Đức (Đầu tư Bất động sản)

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Ai thổi giá đất Củ Chi tăng “dựng đứng”?

Giá đất ở Củ Chi đang được dân môi giới đẩy lên chóng mặt khiến khu vực này uay lại thời kỳ sốt ảo trước đó.


Theo tìm hiểu, giá đất ở Củ Chi thuộc khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Dương và gần các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn… đang tăng cực nóng. Tính từ đầu năm tới nay, có nơi tăng gần 70%.

Giá đất tăng từng giờ

Thông tin về các dự án lớn được khởi công tại Củ Chi đã nhen nhóm cơ hội găm đất của dân đầu cơ ngay từ đầu năm. Người này mua rồi bán lại cho người khác, và qua nhiều lần giao dịch, giá đất tăng thêm 10%-20%. Thậm chí chỉ trong một tuần lễ qua, giá đất đã tăng lên 70% và nhiều nơi biến động từng giờ, chỉ sau một đêm giá đã khác hoàn toàn.
Trong vai người đi tìm mua đất ở Củ Chi, chúng tôi được giới thiệu đến lô đất 6.500 m2, mặt tiền Nguyễn Thị Rành, rộng 60 m, sâu 103 m. Theo tìm hiểu giá đất khu vực đó ở thời điểm trước Tết là khoảng 90 triệu một mét ngang, nhưng chúng tôi được chủ đất báo giá hiện đã chạm mốc 130 triệu, lô nhỏ thì bị đẩy lên 140 triệu một mét ngang.
Gần đó, những lô đất nông nghiệp đang được đẩy giá lên cao gấp rưỡi. Ông Phạm Bá Chánh chào bán lô đất nông nghiệp rộng 5.000 m2 tại xã Trung Lập Hạ với 3,5 triệu/m2. Giá này được đẩy lên gấp đôi so với tháng trước, và chủ đất khẳng định giá sẽ còn tăng lên nữa nếu không mua.
Theo ông này, trong tương lai, đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi thành đất thổ cư. Vì thế, nhiều chủ đất ở đây đồng loạt đẩy giá đất lên.
Người môi giới lô đất này phân tích: “Nếu anh không rành về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì mua rồi bán lại cho người khác, để kiếm lời. Người mua sau sẽ bán cho người sau nữa, và đến một lúc nào đó sẽ có người đầu tư cơ sở hạ tầng, xin phép cơ quan quản lý chuyển đổi thành đất thổ cư.
Khi đó, nhiều người khác lại dồn vốn vào đất thổ cư rồi mua, bán lại cho người kế tiếp. Cứ thế, qua mỗi lần giao dịch, giá bị đội lên thì lô đât đã lời rất nhiều rồi.”
Dân môi giới bất động sản hàng ngày đổ xô về Củ Chi Ảnh: V.Dũng
Ông Nguyễn Như Tuyển, Giám đốc Công ty Bất động sản Anh Luân, cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình giao dịch bất động sản ở Củ Chi khá sôi động. Ngoài người dân ở địa phương ra, khách hàng ở các nơi khác, nhất là các quận ở nội thành TP.HCM, khách Hà Nội tìm đến mua khá đông.
Theo ông Tuyển, cách đây khoảng một tháng, mức giá dành cho những thửa đất lớn chưa lên thổ cư chỉ 2–3 triệu đồng/m2, có nơi còn thấp hơn. Còn phân khúc đất nền tại những tuyến đường trung tâm của các xã, giá chỉ giao động 3-8 triệu đồng/m2, hay như khu dân Việt Kiều ở xã Tân Thông Hội là “đỉnh” nhất, giá chỉ 15 triệu/m2.
“Tuy nhiên giá đất hiện tại đã bỏ xa mức này, khi tăng lên khoảng 40%, thậm chí các khu vực quanh dự án Safari Sài Gòn tăng lên đến 70%, vì lượng mua nhiều mà người bán rất ít”, ông Tuyển chia sẻ.
Giá đất biến động cũng khiến anh Lê Lâm, một khách tìm mua đất ở khu vực này bối rối: “Giá ở đây đang có mức biến động lớn nên tôi vẫn chưa thể tìm được lô nào. Thậm chí có lô đã chốt giá xong lên thì chủ đất đòi tăng thêm mấy trăm triệu sau một đêm. Xin đặt cọc họ cũng không nhận, vì cò đất đã rải cọc khắp nơi”, anh Lâm nói.
Nhiều chuyên gia BĐS nhận định giá đất Củ Chi tăng là giá ảo. Sở dĩ giá được đẩy lên quá cao như vậy phần lớn do giới đầu cơ thường đi rải tiền đặt cọc, giữ đất đất, sau đó ai có nhu cầu thì bán lại cọc và ăn lời tiền phạt.
Lãnh đạo một công ty quản lý bất động sản tại TP.HCM nhận xét hầu hết giao dịch bất động sản hiện nay không phải của người mua nhà đất để ở, mà chỉ là sự chuyển nhượng của giới đầu cơ. Theo vị này, do đất ở nội thành ngày càng khan hiếm, giới kinh doanh phải chuyển ra vùng ven rồi găm hàng, làm giá.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, cho rằng do giá bị giới kinh doanh đẩy lên nên nhiều người đổ xô mua nhà đất, với mục đích bán lại kiếm lời. Mức giá bất động sản hiện không thật.
Đổ tiền đón sóng siêu dự án chỉ làm lợi cho cò đất
Dự án của “chúa đảo” Tuần Châu mới chỉ là đề xuất từ doanh nghiệp, nhưng Củ Chi đang trở thành tâm điểm bàn tán của giới đầu tư địa ốc. Những người có đất ở Củ Chi đang mang tâm trạng vừa mừng, vừa lo.
Mừng là nếu dự án được thực hiện, khả năng giá đất sẽ tăng cao, nhưng lo không biết các dự án này có thực sự thành hình để giá đất tăng bền vững hay không.
Ông Tuấn, một người dân sống ở quận Gò Vấp có 4.000 m2 đất ở Củ Chi mua cách đây nhiều năm để làm trang trại, cho biết, liên tục trong gần 1 tháng qua, ngày nào ông cũng nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại đặt vấn đề mua khu đất.
“Lúc đầu người ta trả giá thấp, sau đó ra giá cao dần. Vài người bạn ở gần khu vực cũng liên tục nhận được lời đề nghị mua đất”, ông Tuấn nói.
Ai thoi gia dat Cu Chi tang
Đô thị hoang Nhơn Trạch là bài học cho việc đổ xô đầu tư ăn theo siêu dự án. Ảnh: Lê Quân 
Với giới kinh doanh địa ốc, câu chuyện đón đầu quy hoạch là yếu tố mang lại cơ hội lớn. Thực tế đã có nhiều người đạt lợi nhuận lớn nhờ đón đúng quy hoạch. Nhưng cũng có không ít trường hợp “chết đứng” vì đón sai.
Bởi rủi ro trong việc đón đầu quy hoạch khá lớn, không chỉ rủi ro từ thay đổi trong chính sách, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố thị trường, năng lực của các chủ dự án.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, giới kinh doanh địa ốc TP.HCM đã có rất nhiều bài học về việc đầu tư đất chạy theo thông tin các siêu dự án. Dự án đề xuất chỉ là một khía cạnh, trong khi khả năng thực hiện được hay không lại là vấn đề khác.
Trước đây, cũng vì đua nhau đón sóng siêu dự án đã tạo nên những đô thị hoang như Nhơn Trạch, Mỹ Phước…
“Thực chất việc chạy đua đầu tư theo thông tin chỉ có làm lợi cho duy nhất một đối tượng, đó là cò đất. Trong khi đó người sở hữu cuối cùng là người gánh hậu quả khi cơn sốt đi qua và các siêu dự án vẫn chưa thành hình.
Không ở đâu xa mà ngay tại Củ Chi cũng đã từng có sự cố tương tự với các dự án chưa thành hiện thực. Hy vọng trong cơn sốt đất này, người mua người bán đều bình tĩnh, để tránh đi vào vết xe đổ trước đây”, ông Châu chia sẻ.

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

“Chiến dịch” đòi lại vỉa hè khiến giá thuê nhà mặt phố Hà Nội “lao dốc”

Tình trạng không đủ chỗ cho khách hàng gửi xe khiến hầu hết các cửa hàng trên các tuyến phố rơi vào cảnh sụt giảm doanh thu. Điều đó, kéo theo giá thuê cửa hàng, cửa hiệu ở những tuyến đường có vỉa hè dưới 3,5m cũng bắt đầu giảm giá.
Một cửa hàng trên phố Thái Hà căng biển cho thuê. Ảnh: Phạm Hùng.

Xuất hiện nhiều biển cho thuê, nhượng cửa hàng

Sau gần nửa tháng ra quân dẹp vỉa hè với quy mô lớn, vỉa hè Hà Nội đã phần nào thông thoáng. Nhưng ở khía cạnh khác, giá thuê nhà mặt phố tại các quận trung tâm lại đang… lao dốc.

Bà Phan Thị Đào ở ngõ 44 đường Nguyễn Khánh Toàn, hành nghề dẫn khách mua, thuê cửa hàng khắp các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm… cho hay: "Khách hỏi thuê nhà mặt phố đều có bài chê ỏng chê eo là không có chỗ để xe, mặt nhà cao hơn mặt đường mà không có bậc lên xuống thuận tiện, điểm giữ xe xung quanh thì đều quá tải... để ép giá ngược chủ nhà. Ngoài ra, còn có một xu hướng khác là "hoãn" giấc mơ kinh doanh, chờ động thái của thành phố trong việc giải phóng vỉa hè. Nếu cứ làm căng lâu dài họ sẽ ưu tiên phương án thuê nhà mặt ngõ hơn là mặt đường phố”.

Vỉa hè đường Đặng Văn Ngữ trước và sau chiến dịch dọn dẹp vỉa hè. Nhiều chủ quán kêu trời vì mất đất làm ăn cho dù đó là đất lấn chiếm. Ảnh:H.Phương
Bên cạnh đó, ở các khu phố cổ, khách hỏi tìm thuê nhà đều lân la tìm hiểu xem lực lượng chức năng của phường trực tiếp “làm” có căng không. Các ngày 20, 21, 22/3, dọc trên nhiều tuyến phố trung tâm xuất hiện nhiều biển "cho thuê cửa hàng", "nhượng lại mặt bằng". Riêng đoạn đường 200m cuối phố Đê La Thành đã có tới 3 nhà mặt phố treo bảng tìm khách kèm số điện thoại liên hệ. Trên một số trục đường khác như Nguyễn Chí Thanh, Láng, Minh Khai... cũng có tình trạng tương tự. Theo tìm hiểu của PV thì nguyên nhân là do không còn chỗ đỗ xe, vắng khách, giá thuê cửa hàng lại cao nên nhiều cửa hàng không còn khả năng bám trụ lại những tuyến phố có giá thuê đắt đỏ.

Sẽ chỉ là “tạm thời”?

Anh Phan Thành, chủ cửa hàng đồ thể thao ở 192 Lê Trọng Tấn cho biết: “Công an phường yêu cầu các chủ kinh doanh cam kết không được để xe trên vỉa hè, lòng đường. Giờ mà đề nghị khách hàng gửi xe chỗ khác rồi đi bộ về cửa hàng thì chắc họ… đi luôn”. Được biết, cửa hàng anh Phan Thành thuê với giá 12 triệu đồng/tháng. Trước những khó khăn khách quan đưa đến từ khi thành phố dọn dẹp lại vỉa hè, anh Thành cho biết sẽ đề xuất chủ nhà giảm giá thuê nhà ngay từ tháng 3 này. “Nếu chủ nhà không đồng ý, chúng tôi đành phải tính nước chuyển đi chỗ khác”, anh Thành nói.
Hàng loạt quán kinh doanh café, đồ ăn vặt, dịch vụ... trên các tuyến phố ở quận Hai Bà Trưng cũng kém phần nhộn nhịp. Anh Lê Ngọc Nhân, kinh doanh quán lẩu, đồ nướng ở phố Tạ Quang Bửu chia sẻ: “Lâu nay, 10 khách thì tới 9 khách thích ăn uống ngoài vỉa hè cho thoáng. Song bây giờ khi thấy bóng dáng công an lại hô hoán khách tháo chạy để bê đồ đạc vào bên trong. Mỗi tối vài lần, khách cũng thấy bất tiện nên ghé quán thưa dần”.
Anh Hiệp mở quán diện tích 60m2, mặt ngõ rộng rãi ở đường Nguyễn Trãi, mùa đông bán đồ nhậu, mùa hè chuyển sang bán bia hơi, bước sang năm nay, chủ nhà đã tăng giá thuê từ 6 triệu lên 7,5 triệu đồng/tháng. Anh Hiệp cho biết: “Nhận thấy vỉa hè bị dọn dẹp, mất đi của tôi 2 dãy bàn, công việc kinh doanh trở nên khó khăn chủ nhà đã đồng ý trở lại mức giá thuê ban đầu là 6 triệu/tháng. Tuy nhiên, tôi đang cân nhắc việc nhượng lại mặt bằng. Nếu chính quyền cứ làm căng mãi thì chỉ xoay xở tìm chỗ để xe cho khách cũng đủ căng thẳng”. Anh Hiệp tính toán nhượng lại cửa hàng với giá 120 triệu đồng và 1 tháng tiền nhà đóng đặt cọc.
Nhiều chuyên gia bất động sản dự đoán trước những diễn biến lập lại trật tự vỉa hè thời gian qua, độ “chùng” của thị phần nhà phố cho thuê là có. Đặc thù của phân khúc này là phụ thuộc đến 90% vào không gian vỉa hè trước cửa nhà. Theo đó, vỉa hè càng rộng, thoáng, giá thuê sẽ càng đắt. Khi yếu tố này bị xáo trộn thì việc kinh doanh bị ảnh hưởng, khách thuê dè dặt cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, đây chỉ là trong thời gian ngắn hạn, sau khi vỉa hè được trả lại đúng chức năng, có thể các cơ quan chức năng sẽ tính đến thực hiện bố trí dung hòa các chức năng tiếp theo của nó là: Đi bộ và để xe.
Một chủ cửa hàng ăn trên phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa thì cho biết: “Mỗi tháng tiền tôi thuê cửa hàng 16 triệu đồng. Hiện chỗ để xe máy hạn chế, nếu tìm được chỗ gửi xe trong ngõ mỗi tháng mất thêm 3 triệu nữa, cộng thêm việc thuê thêm người dắt xe ra dắt xe vào cho khách. Chi phí tăng lên đột biến trong khi khách vẫn thế, hoặc ít hơn. Tôi cũng đang tính nước xin giảm tiền thuê nhà. Nếu không được chủ nhà đồng ý, có lẽ chúng tôi phải chuyển đi”.

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

5 điểm nghẽn trên thị bất động sản

Trong khoảng 1.200 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố, đang có khoảng 500 dự án bị ngừng triển khai.

Mới đây, trong báo cáo tổng kết đánh giá sự phát triển thị trường bất động sản TPHCM, Hiệp hội bất động sản thành phố (HoREA) cho rằng 10 năm qua, thị trường bất động sản phát triển ở tất cả các quận, huyện.

Trước hết là khu vực trung tâm thành phố, và tiếp theo là khu nam Sài Gòn với hạt nhân là khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Khoảng 4 năm gần đây đã có sự chuyển hướng phát triển mạnh sang khu vực phía Đông thành phố với hạt nhân là khu đô thị mới Thủ Thiêm và gần đây cũng đã có nhiều dự án bất động sản nhà ở, thương mại, y tế đầu tư vào khu vực phía Tây thành phố.

Tuy nhiên, theo HoREA trong suốt một thập kỷ qua, thị trường bất động sản thành phố vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững, đồng thời cũng đã chỉ ra những điểm nghẽn và đề xuất những giải pháp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng hiện có 5 điểm nghẽn trên thị trường bđs cần sớm giải quyết trong đó điểm nghẽn lớn nhất là tiền sử dụng đất tạo ra cơ chế xin-cho.

Để giải quyết một phần “điểm nghẽn” này và để hỗ trợ doanh nghiệp, UBND thành phố đã cho phép doanh nghiệp được tạm nộp tiền sử dụng đất dự án ngay sau khi Sở Tài nguyên Môi trường xác định giá đất. Tiếp đến là “điểm nghẽn” chuyển nhượng dự án bất động sản, do pháp luật quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều này chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án, cũng là một hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp;

“Trong khoảng 1.200 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố, đang có khoảng 500 dự án bị ngừng triển khai, phần lớn do giải phóng mặt bằng dở dang, chính là "phần chìm của tảng băng hàng tồn kho". Điều này đã ngốn một lượng vốn lớn của nhà đầu tư, của ngân hàng và của xã hội rất lớn, tiềm ẩn nhiều hệ quả rủi ro cho thị trường”, ông Châu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra. “Điểm nghẽn” chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung dài hạn cho thị trường bất động sản.

"Lãi suất cho vay vẫn còn cao và có khả năng sẽ tăng trong năm 2017", ông Châu nhận định.

Ngoài ra, “điểm nghẽn” thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Cận cảnh đại công trường khu Đông Sài Gòn, cung cấp cho thị trường hơn 20.000 căn hộ trong năm 2017

Đi cùng sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản tại khu đông TP.HCM đang ngày càng sôi động. Trong đó, sự xuất hiện của một số dự án biệt thự, nhà phố do những chủ đầu tư “có tầm” phát triển được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành nên một khu đô thị hiện đại.
Thống kê của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, tại khu Đông có gần 7.000 căn hộ được tung ra thị trường trong quý IV/2016 dự kiến sẽ giao nhà giai đoạn 2018 – 2020.
Khoảng 29.950 căn hộ có sẵn đã và đang được giao dịch ở tất cả các hạng trên thị trường sơ cấp, tăng 11% theo quý và 49% theo năm.
Trong đó, căn hộ Hạng B dẫn đầu thị trường khu Đông chiếm khoảng 42%, trong khi Hạng C và Hạng A chiếm lần lượt 31% và 27%. Quận 2, 7, 8 và Bình Thạnh tiếp tục thống lĩnh thị trường, chiếm hơn một nửa tổng nguồn cung sơ cấp.
Cushman & Wakefield dự báo trong năm 2017, hơn 30.000 dự kiến sẽ gia nhập thị trường, trong đó gần 70% tổng nguồn cung tương lai tập trung ở khu vực phía Đông. Trong khi quỹ đất và nguồn cung trong trung tâm TP.HCM đang cạn kiệt và có giá thành rất cao, thì hiện nay xu hướng của người mua đang đổ bộ về các vùng ven, trong đó khu Đông đang là tâm điểm của các nhà đầu tư.

Với số vốn đầu tư lớn để nâng cấp hạ tầng, quỹ đất sạch, giá cả hợp lý cùng các dự án của những chủ đầu tư uy tín, quận 2 và quận 9 đang chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của giới đầu tư bất động sản, tạo nên những cơn “sóng” giao dịch ở hầu hết các phân khúc.
Với số vốn đầu tư lớn để nâng cấp hạ tầng, quỹ đất sạch, giá cả hợp lý cùng các dự án của những chủ đầu tư uy tín, quận 2 và quận 9 đang chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của giới đầu tư bất động sản, tạo nên những cơn “sóng” giao dịch ở hầu hết các phân khúc.

Ngoài dự án nhà ở cao tầng, nhiều chủ đầu tư cũng tung ra thị trường hàng nghìn căn nhà phố, biệt thự tại những khu đất rộng lớn quanh tuyến metro số 1.
Ngoài dự án nhà ở cao tầng, nhiều chủ đầu tư cũng tung ra thị trường hàng nghìn căn nhà phố, biệt thự tại những khu đất rộng lớn quanh tuyến metro số 1.

Nhiều dự án cao tầng tại khu Đông đang được xây dựng. Đây là nguồn cung tương lai khá lớn cho thị trường khu vực này.
Nhiều dự án cao tầng tại khu Đông đang được xây dựng. Đây là nguồn cung tương lai khá lớn cho thị trường khu vực này.

Những dự án sẽ cung cấp cho thị trường hơn 1.000 căn hộ tầm trung đang được Him Lam Land đẩy nhanh tiến độ thi công tại khu Đông.
Những dự án sẽ cung cấp cho thị trường hơn 1.000 căn hộ tầm trung đang được Him Lam Land đẩy nhanh tiến độ thi công tại khu Đông.

Đi ngang khu vực này, sau khi qua khỏi cầu Sài Gòn từ hướng quận 1 là đại công trường xây dựng rầm rộ của hàng chục dự án cao cấp.
Đi ngang khu vực này, sau khi qua khỏi cầu Sài Gòn từ hướng quận 1 là đại công trường xây dựng rầm rộ của hàng chục dự án cao cấp.

Thi công tuyến metro số 1 dự án đã đẩy giá nhà đất khu Đông tăng mạnh suốt nhiều năm qua.
Thi công tuyến metro số 1 dự án đã đẩy giá nhà đất khu Đông tăng mạnh suốt nhiều năm qua.
Theo ghi nhận, các dự án bất động sản tại quận 2 đều chạy dọc theo tuyến Xa lộ Hà Nội, còn tại quận 9 chủ yếu đều tập trung dọc tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, kéo dài khoảng 10km đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và kết thúc ở đầu đường Nguyễn Duy Trinh.
Ngoài ra, khu Đông TP.HCM là nơi giành nhiều “ưu ái” nhất từ khối ngoại. Mới nhất, hàng loạt tên tuổi nhà đầu tư lớn trên thế giới công bố đổ hàng tỷ đô la vào khu Đông như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc); Mitsubishi và Toshiba (Nhật Bản); Kepple Land; CapitaLand (Singapore)... góp phần tạo nên “đòn bẩy” kéo giá trị BĐS của khu vực này gia tăng không ngừng.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

'Việt Nam đang thừa resort, biệt thự, bất động sản cao cấp'

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng chưa có biến động lớn về thị trường Bất động sản trong năm 2017 và đầu 2018, nhưng thị trường đang có biểu hiện thừa biệt thự, resort.


Tại buổi làm việc giữa Tổ Công tác của Thủ tướng và Bộ Xây dựng sáng nay (17/2), hàng loạt vấn đề nóng dư luận, báo chí quan tâm, bức xúc đã được nêu ra.

Phát triển nhà ở xã hội: Bao giờ cung đủ cầu?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng, nêu thực tế các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng nhà ở xã hội tắc do cơ chế.

Cụ thể, do Bộ Xây dựng chậm đề xuất các cơ chế trong quản lý, thúc đẩy phát triển, điều tiết thị trường bất động sản (BĐS) và quỹ đất cho nhà ở xã hội, thiếu ngân sách. Có địa phương chậm xử lý thủ tục hành chính, hoàn tiền sử dụng đất, chưa có cơ quan chuyên trách tham gia đầu tư xây dựng và quản lý trực tiếp quỹ nhà ở xã hội…

“Hiện nhà ở xã hội mới giải quyết được khoảng 28% so với chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhờ ở quốc gia. Vậy những khó khăn, vướng mắc về nhà ở xã hội do đâu?

Do chưa cân đối được vốn ngân sách hay do phối hợp giữa các bộ ngành liên quan chưa tốt? Bộ Xây dựng có những chiến lược gì hoặc có tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ, Thủ tướng để phát triển nhà ở xã hội đạt chỉ tiêu đề ra?”, ông Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi.

Trả lời về việc này, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay đang vướng ở chỗ cấp vốn cho các dự án.

“Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về tiêu chí sắp xếp, phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn. Do đó, nhiều dự án chưa có vốn để triển khai”, tư lệnh ngành xây dựng nói.
Thị trường bất động sản: Dư thừa resort, biệt thự


Theo Savills Việt Nam, số lượng biệt thự, nhà liền kề không ngừng tăng lên trong vài năm trở lại đây. (Đơn vị: Căn). Đồ họa: Kiều Vui.

Ông Mai Tiến Dũng cho rằng một trong những điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển của thị trường hiện nay là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Điển hình là khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cao tầng.

“Đề nghị Bộ báo cáo cụ thể hơn về thực trạng này”, ông Dũng nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trần tình hiện có thể đánh giá chưa có biến động lớn về thị trường BĐS trong năm 2017 và đầu 2018. Tuy nhiên, ông cho rằng thị trường đang có biểu hiện dư thừa bất động sản cao cấp, biệt thự, resort…

“Theo tính toán của chúng tôi, có những sản phẩm đã đủ dùng đến năm 2020 rồi. Chúng tôi đang bàn với các Bộ, ngành để có phương thức kiểm soát tín dụng với BĐS cao cấp, bàn với các địa phương để kiểm soát tốt phân khúc cao cấp ở địa phương. Chúng tôi cũng đang kiểm tra các dự án sử dụng nhiều đất”, ông nói.

Tư lệnh ngành xây dựng thông tin thêm Bộ đang xây dựng đề án đánh giá tình hình thị trường, đề xuất giải pháp, cơ chế quản lý để thị trường phát triển bền vững, có hiệu quả, thông suốt hơn.

Còn theo báo cáo của Savills Việt Nam, TP.HCM và Hà Nội nằm trong nhóm thị trường biệt thự/nhà phố hoạt động tốt nhất ASEAN năm 2015 và kéo sang năm 2016 với nguồn cầu lớn từ tầng lớp người giàu mới có thu nhập trên 20.000 USD.

Số lượng hộ gia đình Việt Nam khá giả với thu nhập hơn 20.000 USD được dự báo sẽ tăng lên gấp đôi, từ 250.000 lên 530.000 hộ, trong giai đoạn 2016-2020. Điều này có nghĩa là sẽ có 280.000 hộ gia đình ra khỏi tầng lớp trung lưu để gia nhập tầng lớp người giàu mới trong vòng 5 năm tới. Những hộ giàu này giúp tạo thành một phân khúc độc lập có sức mua bất động sản là biệt thự, nhà phố rất lớn.

Theo một khảo sát tiến hành trong năm 2015, người mua để ở chiếm đa số lượng giao dịch, trong khi đó, người mua để đầu tư, đầu cơ chiếm ít hơn 10%.

Nếu như trong quý IV/2016, tổng nguồn cung toàn thị trường của phân khúc biệt thự và nhà liền kề đạt gần 35.000 căn, tăng 5% so với quý trước và 13% so với cùng kỳ năm trước thì đến quý I/2017, hơn 2.300 căn biệt thự, nhà liền kề được tung ra thị trường.
Theo Kiều Vui - Hiếu Công (Zing)